
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Công nghệ Hóa, nhưng thích kinh doanh các sản phẩm “xanh” thân thiện với môi trường, anh Nguyễn Phi Hoàng (thôn Mỹ Thành, xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa) đã chọn cho mình một con đường khá gập ghềnh để đến với thành công.
NỖ LỰC VƯỢT KHÓ
Cha không sống với mẹ lúc cả 4 anh em đều còn nhỏ, nên từ khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Nguyễn Phi Hoàng, người anh cả trong gia đình đã tự bươn chải để kiếm sống.
Nhớ lại những ngày đầu vào TP Hồ Chí Minh, anh Hoàng chia sẻ: “Thi đại học xong ngày hôm trước, hôm sau tôi nhảy xe vào TP Hồ Chí Minh liền. Đó là năm 2006, với đồng lương giáo viên èo uột, một mình mẹ tôi phải oằn mình nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Gia cảnh khó khăn quá nên tôi muốn làm điều gì đó đỡ đần cho mẹ, hay ít ra là cũng tự lo được cho mình. Sau đó, có kết quả thi đại học, mẹ thông báo tôi đậu Trường cao đẳng Xây dựng số 3 (nay là Trường đại học Xây dựng Miền Trung) nhưng tôi không về”.
Nguyễn Phi Hoàng bắt đầu cuộc sống nơi thành phố bằng việc bốc vác, đạp xe ba gác chở vật liệu đến các điểm xây dựng. Sắt, thép, xi măng chẳng nhẹ nhàng gì so với thân hình gầy còm của anh. Ròng rã trong 2 năm, anh gắn bó với công việc nặng nhọc này nhưng không quên giấc mơ đại học đang dang dở. Vì vậy, sau những giờ lao động mệt mỏi, Hoàng lại cặm cụi bài vở. Ông chủ thấy anh cần cù, chịu khó và ham học nên bớt việc để anh có thêm thời gian ôn luyện, đi thi. Năm 2008, Hoàng đỗ vào khoa Công nghệ Hóa, Trường đại học Công nghệ Sài Gòn. Ban ngày, buổi sáng anh đến giảng đường, buổi chiều vẫn đạp xe ba gác. Ban đêm, anh làm bartender (nhân viên pha chế rượu) cho một quán cà phê đến nửa đêm mới về tới chỗ trọ. Hết 4 năm như thế, anh xin nghỉ để ra ngoài tìm việc.
Ra trường cũng là lúc Hoàng nhận ra mình đã không cân nhắc kỹ khi chọn ngành học. Anh tâm sự: “Ngày trước bộp chộp đi thi đại học thì cứ theo nguyện vọng của mẹ (do thấy có một chú trong xóm cũng học ngành ấy ra trường tìm được việc dễ dàng). Tốt nghiệp, tôi về quê và xin vào làm việc trong một công ty bia ở TP Tuy Hòa. Ngày đầu tiên đi làm, tôi phải bốc vác ê ẩm cả vai. Ngày hôm sau, tôi vào lại TP Hồ Chí Minh, rồi bắt đầu buôn bán đủ mọi thứ từ mỹ phẩm đến bảo hiểm. Cuối cùng, tôi bị thu hút bởi các sản phẩm thân thiện với môi trường và từ đó đến nay, tôi chỉ chuyên kinh doanh các thiết bị năng lượng “xanh””.
TÌM CHỖ ĐỨNG CHO SẢN PHẨM “XANH”
Anh Hoàng bén duyên với công việc kinh doanh từ thời sinh viên. Nhưng buôn bán lúc đó, với anh chỉ để kiếm tiền trang trải cuộc sống nơi thành phố và trả học phí. Đang lúc chưa có công việc nào anh thực sự muốn gắn bó, có người bạn thân giới thiệu anh vào làm nhân viên bán hàng cho một công ty chuyên kinh doanh các thiết bị tiết kiệm điện, đặc biệt là các sản phẩm chỉ sử dụng năng lượng mặt trời (sản phẩm “xanh”). Thấy công việc này thú vị, phù hợp với sở thích của mình nên anh Hoàng đã thử.
Sản phẩm “xanh” xuất hiện ở Việt Nam chưa nhiều vì quá trình sản xuất dòng sản phẩm này phức tạp và rất tốn kém. Để được gọi là “xanh”, sản phẩm cần hội đủ rất nhiều yếu tố: sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường; được làm từ năng lượng “xanh” như năng lượng mặt trời, gió, nước; có khả năng tiết kiệm năng lượng trong quá trình sử dụng. Do phải tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt nên giá cả của các mặt hàng này thường cao hơn các sản phẩm khác cùng loại. Cũng chính vì vậy, việc kinh doanh các sản phẩm “xanh” không phải dễ dàng, đặc biệt là ở các tỉnh, nơi đời sống người dân còn nhiều khó khăn và sự hiểu biết của họ ở lĩnh vực này còn khá hạn chế.
Để tiếp cận với thị trường Phú Yên, anh Hoàng liên tục mang sản phẩm đi tham gia các kỳ hội chợ. Nhiều sản phẩm sử dụng năng lượng mặt trời thân thiện với môi trường nhưng khách hàng hầu như chưa biết thông tin. Lúc này, anh Hoàng giải thích và nhận được nhiều tiếng ồ, à thích thú. Nhận thấy mặt hàng này bắt đầu được người dân quan tâm, anh đã đưa các sản phẩm “xanh” về giới thiệu rộng rãi ở Phú Yên bằng cách thành lập Công ty TNHH Năng lượng Vitosa với mong muốn đưa các sản phẩm thân thiện với môi trường đến người dân.
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, qua nhiều năm lăn lộn trên thương trường, anh Nguyễn Phi Hoàng nay đã là Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng Vitosa tại Phú Yên, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu thiết bị năng lượng Trường Thành (TP Hồ Chí Minh) và là chủ một cơ sở kinh doanh các mặt hàng này tại tỉnh Bình Dương.
Ở tuổi 34, Nguyễn Phi Hoàng còn rất nhiều dự định để theo đuổi, vì theo anh, mọi thứ chỉ mới bắt đầu. Đặc biệt, mặt hàng tiết kiệm năng lượng hiện nay vẫn còn mới mẻ nhưng với xu thế tiêu dùng “xanh”, anh tin các sản phẩm này sẽ tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Cre: THÁI HÀ (báo phú yên)
Thông tin khác
- » TẠI SAO NÊN SỬ DỤNG MÁY LỌC NƯỚC TỔNG GIA ĐÌNH? (01.10.2020)
- » Điện mặt trời áp mái đang tạo ra “cơn sốt” đầu tư ở Đắk Lắk (30.09.2020)
- » TPHCM: Thanh toán 80 tỷ đồng tiền điện mặt trời cho người dân (26.09.2020)
- » Điện mặt trời trang trại nông nghiệp được gỡ khó (25.09.2020)
- » 8 tháng huy động gần 7,3 tỷ kWh điện gió, mặt trời (25.09.2020)
- » Nhà đầu tư quay cuồng tìm mua pin mặt trời (19.09.2020)
- » Miền Trung: Điện mặt trời mái nhà thu hút người dân lắp đặt (08.09.2020)
- » VietinBank đồng hành cùng doanh nghiệp trong các dự án điện mặt trời mái nhà (08.09.2020)